Chuyển đổi số để quản lý, vận hành hiệu quả hơn
Chiều nay (22/10), Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị Chuyển đổi số ngành GTVT.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với ngành GTVT, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là việc mới và là quá trình dài. Vì vậy, nên khởi động từ những dự án mà sau một năm, hoặc cùng lắm hai năm sẽ mang lại hiệu quả.
Những trải nghiệm này sẽ mang lại niềm tin vào chuyển đổi số và thúc đẩy bộ máy đặt ra những mục tiêu lớn hơn.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ký kết Chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số ngành GTVT giai đoạn 2021-2025
“Trong thành công của chuyển đổi số thì công nghệ chỉ đóng góp 20-30%, phần lớn là phụ thuộc vào quyết tâm của người đứng đầu, là sự tường minh của bài toán đặt ra cho giới công nghệ. Tôi tin tưởng rằng, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn có thể giải được bài toán của ngành GTVT”, Bộ trưởng Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giải được nhiều vấn đề hiện nay như thúc đẩy giao thông thông minh, giảm tắc đường, tối ưu hóa vận hành, giảm chi phí, hạn chế tai nạn giao thông.
Trong đó, cơ sở dữ liệu lớn (big data) có thể lưu trữ, xử lý được dữ liệu rất lớn, rất nhanh với giá rất rẻ. Công nghệ IOT đo đạc, thu thập dữ liệu như cảm biến mặt đường... truyền dữ liệu về trung tâm để thông báo cho người lái xe về chỗ có thể đỗ xe. Công nghệ điện toán đám mây cho phép lưu trữ dữ liệu mà không cần đầu tư quá lớn cho máy chủ vật lý, chi phí rẻ hơn. Công nghệ AI thay lao động trí óc, giúp tự động hóa quá trình ra quyết định.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ ngành GTVT trong chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua ngành GTVT đã có nhiều nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Ngành GTVT là một trong những ngành cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhiều và được đánh giá tốt. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, Bộ GTVT đặt ra mục tiêu phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số để quản lý, vận hành hiệu quả hơn.
“Chúng tôi rất trăn trở làm thế nào đẩy mạnh được chuyển đổi số, đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ trong quản lý mọi mặt, từ hạ tầng đến vận tải, an toàn giao thông... Nếu cứ quản lý như cũ sẽ không hiệu quả hơn được, không giảm được chi phí”, Bộ trưởng Thể nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ ngành GTVT trong chuyển đổi số ở nhiều mặt, nhất là về thể chế để có được nguồn vốn đầu tư tương xứng nhu cầu...
“Giao thông luôn đi trước mở đường, kể cả trong ứng dụng khoa học kỹ thuật. Vì thế, Bộ GTVT mong muốn đồng hành cùng Bộ TT&TT và các doanh nghiệp công nghệ để chuyển đổi số ngành GTVT đạt kết quả tốt”, Bộ trưởng Thể nói.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT và ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác
6 nội dung chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2021-2025.
Hai Bộ thống nhất chương trình phối hợp gồm 6 nội dung. Trong đó, xây dựng, tạo lập nền tảng pháp lý cho việc triển khai hoạt động GTVT trên nền tảng công nghệ số và hoàn thiện chính sách pháp luật phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xử lý kịp thời các thách thức đặt ra đối với ngành GTVT trong thời kỳ mới.
Phát triển dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông, dữ liệu phương tiện giao thông, dữ liệu người điều khiển phương tiện giao thông trở thành dữ liệu số quốc gia, đặt nền móng cho phát triển kinh tế số - xã hội số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng đó, đảm bảo an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống công nghệ thông tin quan trọng của Bộ GTVT.
Xây dựng chương trình phát triển các hệ thống quản lý, điều hành giao thông; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và tự chủ từng phần, hướng tới tự chủ hoàn toàn trong công nghệ chế tạo, phát triển các hệ thống điều khiển, điều hành giao thông như: hệ thống giao thông thông minh; hệ thống điều hành đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao; hệ thống giám sát, nhận dạng phương tiện hàng hải.
Thúc đẩy xây dựng, triển khai các nền tảng số trong GTVT, trong đó ưu tiên đối với các nền tảng: quản lý thu phí, thanh toán điện tử trong giao thông; Nhận diện, kiểm soát phương tiện tự động; Giám sát, điều hành giao thông thông minh; Liên thông vé vận tải hành khách; Dịch vụ vận tải và logistics.
Hai Bộ cũng thống nhất phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IOT) phục vụ hạ tầng giao thông thông minh.
Trước đó, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ GTVT đã thông tin về tình hình xây dựng Chính phủ điện tử và định hướng chuyển đổi số ngành GTVT.
Ông Tùng cho biết, triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong xây dựng hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, Bộ GTVT đã triển khai kết nối các phần mềm quản lý văn bản của 60/60 đơn vị thuộc Bộ với Trục văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp; Sử dụng chữ ký số cá nhân để xử lý công việc, hồ sơ trên môi trường mạng. 100% văn bản, hồ sơ (trừ văn bản mật) của các đơn vị thuộc Bộ được xử lý, gửi, nhận hoàn toàn dưới dạng điện tử.
Cùng đó duy trì Cổng Dịch vụ công GTVT cung cấp 240 dịch vụ công gồm: 69 dịch vụ mức độ 3, đạt tỷ lệ 28,75%; 171 dịch vụ mức độ 4, đạt tỷ lệ 71,25%.
Trung bình mỗi năm tiếp nhận và giải quyết hơn 670 nghìn hồ sơ trực tuyến với gần 150 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Số dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 58,8% tổng số thủ tục hành chính, trong đó số dịch vụ có tỷ lệ phát sinh hồ sơ là 70,83%. Tỷ lệ hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến chiếm 52,11% tổng số hồ sơ thực hiện.